“Mục tiêu của chúng tôi bắt đầu ở 3 triệu xe”, chủ tịch BYD, Wang Chuanfu nói tại một buổi họp với các nhà đầu tư ở Hong Kong cuối tháng 3. Nhưng Chuanfu thêm rằng BYD hy vọng tăng gấp đôi doanh số trong năm nay, đạt 3,6 triệu xe, gồm cả xe xuất khẩu, theo Nikkei Asia.
BYD đã dừng sản xuất xe động cơ đốt trong vào tháng 3/2022 để tập trung vào dòng xe năng lượng mới, gồm cả xe thuần điện và hybrid. Hãng không tiết lộ kế hoạch doanh số năm nay, nhưng dựa vào kết quả 2022, BYD có thể bán được 1,75 triệu xe điện trong 2023, gần sát với mục tiêu của Tesla là 1,8 triệu xe.
Nhưng ngày trong quý đầu tiên, BYD chỉ bán được 260.000 xe điện, cách xa so với 420.000 xe Tesla. Hãng Mỹ bán được nhiều xe đến thế chủ yếu nhờ chiến lược giảm giá ở nhiều thị trường khác nhau.
BYD tìm cách đuổi kịp đối thủ bằng việc tăng sản lượng. Tổng sản lượng của hãng ở mức 2,9 triệu xe trong 2022, theo ước tính của Zheshang Securities. BYD có thể tăng sản lượng đạt 4,3 triệu xe năm nay.
Hãng ôtô Trung Quốc dường như đang tuyển thêm nhân sự và tăng cường thiết bị máy móc để có thể đạt mục tiêu đề ra. Những biện pháp khác có thể được áp dụng như giảm chi phí sản xuất và thu mua.
Chưa rõ BYD có tính đến chuyện giảm giá xe hay không, nhưng chi phí tiết kiệm được có thể cho phép hãng đầu tư nhiều hơn để tăng doanh số.
BYD còn có những kế hoạch khác, gồm việc đã ra mắt thương hiệu hạng sang Yangwang năm nay, với sản phẩm đầu tiên là mẫu SUV U8 với công nghệ hiện đại kèm mức giá khoảng 116.300-218.100 USD. Sắp tới, tại triển lãm ôtô Thượng Hải khai mạc ngày 18/4, hãng sẽ giới thiệu siêu xe điện Yangwang U9.
Hãng xe Trung Quốc về cơ bản nhắm vào phân khúc thị trường tầm trung, với sản phẩm có mức giá 14.500-43.500 USD. Phân khúc cao hơn hiện là lãnh địa xa lạ đối với BYD, nhưng đó mới là nơi hãng cần nhắm đến để có thể đánh bại Tesla.
Gia nhập ngành công nghiệp ôtô năm 2003, BYD có được sự tinh thông về công nghệ nhờ cách học hỏi từ các hãng xe nước ngoài. BYD mở trung tâm thiết kế năm 2019 tại trụ sở chính ở Thâm Quyến và tuyển dụng những tài năng hàng đầu, như nhà thiết kế từng làm việc ở Audi, Wolfgang Egger.
Tuy nhiên, BYD phải đối mặt với những thách thức trong quá trình mở rộng. Đầu tiên là khoản hỗ trợ cho người dân khi mua các mẫu xe năng lượng mới. BYD từng thu được lợi nhuận ròng rất cao trong 2022 nhờ doanh số tăng từ việc chính phủ hỗ trợ người dân khi mua xe điện. Nhưng Trung Quốc đã dừng các khoản hỗ trợ này trong tháng 12/2022.
Hệ thống bán hàng của BYD cũng là một yếu tố. Nếu nhân viên bán hàng và nhân viên bảo dưỡng xe của các trung tâm có liên kết với hãng không được đào tạo đầy đủ, có thể dẫn đến những khiếu nại gây tổn hại hình ảnh thương hiệu.
Một cổng thông tin điện tử Trung Quốc chuyên thu thập các khiếu nại của người tiêu dùng cho thấy rất nhiều lời than phiền về các hãng xe, gồm cả BYD, rằng thời gian giao xe cũng như quy trình đăng ký chạy thử xe tác động ra sao tới sự tín nhiệm đối với thương hiệu.
Những bước đầu thâm nhập vào thị trường châu Âu và châu Á cũng sẽ là quá trình leo dốc đầy khó khăn. Các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài chỉ chiếm chưa đến 3% tổng doanh số của hãng trong 2022.
Ở Nhật Bản, BYD khẳng định một số linh kiện xe buýt điện có sử dụng crom-6 (hexavalent chromium) – một loại hóa chất độc hại đã bị Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản cấm. Thành công ở các thị trường nước ngoài sẽ cần một khoảng thời gian để hãng đáp ứng các quy định cũng như thích nghi với những môi trường kinh doanh khác biệt.
Mỹ Anh