Điều kiện là động cơ đốt trong phải sử dụng loại nhiên liệu điện tử tổng hợp (e-fuel) thân thiện với môi trường. Động thái này thể hiện nỗ lực giải quyết xung đột với Đức khi quốc gia Tây Âu phản đối mạnh mẽ lệnh cấm dự kiến áp dụng từ sau 2035, thậm chí lập cả liên minh cùng 7 quốc gia khác.
Theo Reuters, dự thảo tạo ra một hạng mục xe mới chỉ có thể hoạt động nhờ vào nhiên liệu trung hòa khí CO2. Dòng xe này có thể phải sử dụng công nghệ để không thể hoạt động nhờ những loại nhiên liệu khác, cũng theo dự thảo.
Đề xuất này có thể tạo ra một lối đi cho các hãng xe giúp họ vẫn bán được ôtô động cơ đốt trong từ sau 2035 – thời hạn áp dụng lệnh cấm.
Sau nhiều tháng đàm phán, các quốc gia EU và Nghị viện châu Âu đã nhất trí về đạo luật trong 2022. Nhưng Bộ trưởng Giao thông Đức Volker Wissing gây ngạc nhiên khi ngay trong tháng 3 đã phản đối vào phút cuối, cụ thể là chỉ vài ngày trước lần bỏ phiếu cuối cùng để dự thảo thành luật.
Yêu cầu chính của bộ trưởng Đức là EU cho phép bán ôtô mới chạy nhiên liệu tổng hợp từ sau 2035. Và vào ngày 21/3 vừa qua, Đức cho biết đang liên lạc với Ủy ban châu Âu (EC) để tìm một giải pháp cho vấn đề đang được ngành công nghiệp ôtô đầy quyền lực của Đức giám sát chặt chẽ.
Hai nguồn tin thân cận với Đức nói rằng, điều kiện của EC là ôtô phải nhận biết được nhiên liệu trung hòa CO2 so với nhiên liệu hóa thạch là rất khó giải quyết đối với Đức bởi có thể khiến các hãng xe phải phát triển động cơ mới.
Wissing không muốn cự tuyệt hoàn toàn dự thảo của EC, nhưng cần có một số cải thiện. Các bên đặt mục tiêu đảm bảo một thỏa thuận tại cuộc họp của EU vào ngày 23/3.
Ngày 20/3, một quan chức EU nói rằng bất cứ dự thảo nào về ôtô chạy nhiên liệu tổng hợp chỉ có thể được đưa ra sau khi luật cấm động cơ đốt trong được thông qua.
Nhiên liệu điện tử tổng hợp được tạo ra bằng cách tổng hợp CO2 và hydro được sản xuất bởi nguồn điện sạch. Loại nhiên liệu này chưa được sản xuất đại trà. Một nghiên cứu xuất bản hôm 21/3 bởi Viện Nghiên cứu Khí hậu Potsdam (Đức) cho thấy mọi dự án về nhiên liệu điện tử trên thế giới có thể chỉ sản xuất đủ cho 10% nhu cầu ở Đức trong các lĩnh vực hàng không, tàu biển và hóa học trong ít năm tới.
Mỹ Anh