Báo cáo mới đây từ Trường Imperial College London (ICL) ước tính trong năm 2022 tại Anh, 52% hạt bụi nhỏ gây ra bởi phương tiện giao thông đường bộ đến từ lốp xe và phanh.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo thêm dù ôtô điện được đón nhận tốt và phần nào loại bỏ được vấn đề khí thải từ nhiên liệu, trong tương lai môi trường vẫn tiếp tục bị ô nhiễm bởi những hạt bụi nhỏ được tạo ra từ việc mòn lốp và phanh.
Ngoài ra, số liệu trong báo cáo chỉ ra lượng hạt cao su từ lốp mòn thải ra môi trường hàng năm là 6 triệu tấn trên toàn thế giới, chỉ tính riêng tại thành phố London là 9 nghìn tấn. Các hạt cao su đang làm ô nhiễm môi trường nước, việc lốp xe bị mòn ở các thành phố gây rủi ro cho môi trường cao gấp bốn lần so với các loại vi nhựa khác.
Lốp xe di chuyển trên đường sẽ bị mòn, thải ra các hạt cao su với nhiều kích thước khác nhau, từ hạt có thể nhìn thấy được cho đến các hạt kích nước nano mét.
Các hạt lớn thường theo mưa trôi đến sông, giai đoạn này các chất độc hại từ hạt cao su có thể làm ô nhiễm môi trường nước. Các hạt bay vào không khí, kích thước đủ nhỏ để vào sâu trong phổi khi con người hít vào. Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Terry Tetley, nói: “Vì một số hạt cao su thải từ lốp mòn quá nhỏ, nên chỉ cần đi bộ trên vỉa hè cũng có thể khiến chúng ta tiếp xúc với loại ô nhiễm này”.
Hóa chất độc hại có thể chứa trong hạt cao su bao gồm hydrocarbon thơm đa vòng, benzothiazole, isoprene, các kim loại nặng như kẽm, chì. Tác động của hạt cao su đối với sức khỏe con người đang cần được nghiên cứu thêm nhằm hiểu rõ hệ lụy lâu dài, theo các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu cho biết.
Các giải pháp cho vấn đề ô nhiễm do mòn lốp xe được đề xuất bao gồm đổi mới công nghệ và vật liệu sản xuất lốp xe, phát triển thiết bị thu bụi, khuyến khích sử dụng các loại phương tiện công cộng ít ô nhiễm khác.
Tân Phan (theo Green Car Congress)