Màn hình cảm ứng trong ôtô không phải là một thứ gì đó quá mới mẻ, nhưng việc tích hợp các chức năng sử dụng nút bấm cơ học để điều chỉnh, ví dụ điều hòa, quạt, âm lượng nhạc/radio, lên màn hình cảm ứng là một xu hướng hiện nay.
Sam Abuelsamid, nhà phân tích nghiên cứu ngành ôtô tại Guidehouse Insights, cho biết trên trang Road and Track rằng BMW là một trong những nhà sản xuất ôtô khởi xướng, nhưng Tesla lại là hãng đẩy mạnh trào lưu.
Thế hệ thứ 4 của BMW series 7 (E65) giới thiệu vào năm 2001, là mẫu xe đầu tiên của BMW sử dụng hệ thống thông tin giải trí iDrive. Chủ xe dùng núm vặn trung tâm để điều khiển chức năng dẫn đường, liên lạc, điều chỉnh chức năng, điều chỉnh ghế sưởi, thông qua một màn hình. Các phiên bản đầu tiên của hệ thống thông tin giải trí iDrive bị chỉ trích, vì menu phức tạp, người dùng cần nhiều thời gian để làm quen.
Nhưng đó cũng là một vấn đề nan giải mà các hãng sản xuất ôtô phải đối mặt, nhất là những dòng xe đắt tiền, nhiều chức năng. Không gian để tích hợp các nút vật lý trong xe có giới hạn, nếu xe có quá nhiều chức năng, việc tích hợp nút vật lý cho từng chức năng là điều rất khó. Chính vì thế, giải pháp của các hãng ôtô là tích hợp các chức năng qua một giao diện, thao tác điều khiển duy nhất, như BMW đã làm với hệ thống iDrive.
Bên cạnh đó, ông Sam cho rằng việc thay thế nút vật lý, tích hợp chức năng lên màn hình cảm ứng còn giúp cho các nhà sản xuất ôtô tiết kiệm chi phí sản xuất. Việc thiết kế, sản xuất và lắp đặt các núm, công tắc, nút bấm đều phức tạp, chưa kể việc lắp đặt, đấu đèn, đấu dây cho các nút bấm này trên xe cần nhiều bước hơn so với lắp đặt màn hình cảm ứng có tích hợp sẵn các chức năng của nút vật lý.
Việc tích hợp các chức năng của xe lên màn hình cảm ứng là điều khó tránh, vì xe ngày càng hiện đại và có nhiều chức năng mới. Các nhà sản xuất ôtô cũng liên tục cải tiến hệ thống thông tin giải trí, giúp các thao tác điều khiển trở nên dễ dàng, trực quan hơn. Ngoài ra, đa số mẫu xe, các chức năng thường dùng như điều chỉnh điều hòa, âm lượng vẫn được điều khiển thông qua nút bấm vật lý, nhưng mọi thứ đang dần thay đổi.
Tesla là nhà sản xuất ôtô đi đầu trong trào lưu loại bỏ nút vật lý trên xe. Kể từ khi được giới thiệu, các mẫu xe điện của Tesla tiêu tốn nhiều bút mực của báo giới vì thiết kế hiện đại cùng khoang lái tối giản, ít nút bấm. Thậm chí, chủ xe phải thực hiện việc cài số thông qua màn hình cảm ứng, mặc dù vẫn có nút bấm cảm ứng phụ, ẩn dưới phần màn hình giải trí trung tâm.
Hơn nữa, Tesla còn là một trong những công ty có biên độ lợi nhuận cao ngất ngưởng. Số liệu 2022 cho thấy lợi nhuận ròng trên mỗi phương tiện bán ra của Tesla lên đến hơn 9.500 USD, cao hơn so với các nhà sản xuất xe điện khác như GM (2.150 USD), BYD (1.550 USD), Toyota (1.197 USD), Volkswagen (973 USD), Hyundai (927 USD). Việc cắt giảm các nút bấm, qua đó cắt giảm đi chi phí, có thể giúp các nhà sản xuất ôtô tăng biên độ lợi nhuận, qua đó tăng sự cạnh tranh với Tesla.
Việc tích hợp các nút bấm vật lý lên màn hình cảm ứng có một điểm mạnh khác, là có thể được cập nhật, sửa lỗi một cách dễ dàng. Một số loại xe hiện nay có khả năng tự động cập nhật qua mạng, giúp xe mở chức năng mới hoặc sửa lỗi một cách dễ dàng, nhanh chóng. Điều này chỉ có thể làm được khi các chức năng của xe được tích hợp lên màn hình giải trí, thay vì sử dụng nút bấm vật lý riêng biệt để điều khiển.
Cuối cùng, lý do chính cho sự phát triển của màn hình cảm ứng trong xe là do hệ thống camera lùi, vốn là một trang bị bắt buộc trên ôtô tại một số thị trường, theo giải thích của ông Kelly Funkhouser, giám đốc công nghệ xe tại trang Consumer Reports. Các camera lùi cần dùng màn hình lớn để hiển thị, trở thành tiền đề để các nhà sản xuất ôtô tận dụng tích hợp các tính năng các của xe.
Sự phát triển của màn hình cảm ứng trên xe, và việc bỏ đi các nút bấm mang lại nhiều lợi ích, như xe có nhiều chức năng hơn, khoang xe tối giản, gọn gàng. Nhưng đổi lại, việc sử dụng màn hình cảm ứng để điều khiển xe được cho là nguy hiểm hơn so với dùng nút bấm. Chủ xe thường phải nhìn vào màn hình khi muốn điều chỉnh chức năng, so với việc chỉ cần chạm để nhận biết nút bấm đó điều khiển chức năng gì, và điều chỉnh mà không rời tầm mắt ra khỏi đường đi. Việc tích hợp các chức năng thường dùng lên màn hình cảm ứng, như điều hòa hay âm lượng, khiến chủ xe phải mất nhiều thời gian hơn để điều chỉnh.
Tuy vậy, những phàn nàn của người dùng về sự biến mất của nút vật lý đang dần được một số nhà sản xuất ôtô hồi đáp. Cả Hyundai và Honda cho biết vẫn sẽ giữ những phím bấm vật lý cho các chức năng cơ bản trong xe, nhằm giúp người lái tập trung và lái xe một cách an toàn hơn. Cadillac và Volkswagen phải trang bị nút bấm cho các mẫu xe mới, sau khi bị người dùng phàn nàn về việc thiếu những chi tiết này.
Ngoài ra cũng có các giải pháp tích hợp công nghệ hiện đại nhưng vẫn không làm giảm sự tập trung của người lái, như Lexus giới thiệu các nút bấm cảm ứng trên vô-lăng, người dùng phải nhìn qua màn hình HUD hắt trên kính lái để sử dụng, không rời mắt khỏi đường.
Tân Phan