Nhân viên Toyota mổ xẻ xe điện Tesla để học hỏi

Kết cấu khung gầm của mẫu Model Y. Ảnh: Tesla

Toyota từng là người đi đầu trong việc điện hóa, nhờ vào các sản phẩm hybrid, nhưng sự chuyển dịch sang xe điện đã mang lại nhiều thách thức đối với hãng Nhật. Mới đây, sau khi mổ xẻ một chiếc Tesla Model Y, các kỹ sư của Toyota đang bắt đầu hiểu ra nhiều thứ.

“Việc lột vỏ chiếc Model Y thực sự là một tác phẩm nghệ thuật. Thật khó tin”, một kỹ sư tham gia lần khám phá này nói với Automotive News.

Kết cấu khung gầm của mẫu Model Y. Ảnh: Tesla

Kết cấu khung gầm của mẫu Model Y. Ảnh: Tesla

Dù Toyota nổi tiếng nhờ công nghệ cũng như việc sản xuất, các kỹ sư của hãng nhận ra rằng Tesla có một “triết lý sản xuất hoàn toàn khác biệt”, và rằng họ cần một “nền tảng thiết kế mới như một tờ giấy trắng cho xe điện”, hai vị quản lý cho biết.

Với Tesla, có những thứ thực sự khác biệt. Các mẫu xe của hãng gần như giữ nguyên thiết kế qua các năm, nhưng phía dưới lớp vỏ lại thay đổi rất nhiều, như chiếc Model Y nói trên. Việc sử dụng công nghệ đúc dập tiên tiến giúp loại bỏ nhiều chi tiết linh kiện, trong khi gói pin đóng vai trò như một kiểu sàn xe thuộc kết cấu – hai yếu tố giúp hãng xe điện Mỹ đơn giản hóa và nâng cấp các sản phẩm.

Thành lập với tư cách một hãng chỉ chuyên sản xuất xe điện, Tesla có một số lợi thế. Trong khi các hãng xe truyền thống thường tái sử dụng các linh kiện, ví dụ ống làm mát từ các mẫu xe động cơ đốt trong, thì Tesla nhận ra rằng có thể sử dụng các ống nhỏ hơn làm từ vật liệu rẻ hơn, vì nhu cầu làm mát của xe điện thấp hơn.

Kết cấu khung gầm của xe điện Toyota bZ4X. Ảnh: Toyota

Kết cấu khung gầm của xe điện Toyota bZ4X. Ảnh: Toyota

Chỉ nhờ việc làm khác đi với các ống làm mát, Tesla đã có thể giảm 5 kg và tiết kiệm 25 USD mỗi xe. Tính tổng, hãng có thể bớt 100 kg mỗi xe. Điều này không chỉ giúp xe điện của Tesla nhẹ hơn và sản xuất rẻ hơn, mà còn giúp cải thiện hành trình đi được mỗi lần sạc đầy.

Về phần mình, với loạt xe điện đầu tiên, Toyota sử dụng nền tảng TNGA quen thuộc. Dù kết cấu này đã được cải tiến, thì đây vẫn là nền móng cho cả xe điện và xe động cơ đốt trong.

Và dường như xe điện Toyota dựa trên nền tảng TNGA không mấy ấn tượng. Mẫu bZ4X đã gặp một số vấn đề và hoạt động kém hiệu quả ở điều kiện thực tế. Và sản phẩm này không đơn giản là thêm pin để có thể tăng hiệu quả, bởi cách thiết kế và bố trí các trục và giá đỡ bên không cho phép điều đó.

Việc mổ xẻ chiếc Model Y đã mang lại cho Toyota thêm cách nhìn nhận những vấn đề về xe điện – thứ mà hãng đã bỏ lỡ và tụt lại phía sau so với toàn ngành. Trước khi rời khỏi vị trí hồi tháng 1, cựu CEO Akio Toyoda từng nhiều lần phản đối xe điện, tán dương xe chạy nhiên liệu hydro.

Xe điện Toyota bZ4X ở châu Âu. Ảnh: Toyota

Xe điện Toyota bZ4X ở châu Âu. Ảnh: Toyota

Toyota đã hoãn ra mắt các mẫu bZ mới và cải tổ đội ngũ làm xe điện. Hãng cũng giao cho Shigeki Terashi – người đứng đầu trung tâm nghiên cứu và phát triển của Toyota – phụ trách đội làm xe điện, và Takero Kato – kỹ sư hàng đầu của hãng ở liên doanh với BYD – cũng tham gia.

Hãng xe Trung Quốc hiện là một trong số các nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới và cũng từng giúp Toyota giảm thời gian phát triển xe điện. Nhưng BYD không thể giải quyết mọi vấn đề của Toyota.

Ít nhất vào lúc này, Toyota không thể lập tức từ bỏ dòng xe điện bZ – sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải ở châu Âu. Nhưng hãng đang phải đối mặt với những khó khăn nếu vẫn muốn cạnh tranh ở cuộc đua cam go mới chỉ bắt đầu.

Mỹ Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *