Ôtô Haima Trung Quốc trở lại Việt Nam, bán cả xe xăng và điện

Mẫu Haima 7X trưng bày tại lễ ký kết sáng 21/2 tại TP HCM.

Ông Trần Viết Sơn, giám đốc kinh doanh của Carvivu, nhà phân phối xe Haima tại Việt Nam, cho biết hãng sẽ nhập khẩu 3 dòng xe Haima, gồm 8S, 7X và 7X-E với mục tiêu sớm nhất có thể bán từ nửa sau 2023.

7X dự kiến là mẫu xe đầu tiên được bán từ nửa sau 2023, cạnh tranh Mitsubishi Xpander, Toyota Veloz. Hai mẫu khác là 8S và 7X-E sẽ về nước từ cuối tháng 3. Xe được bán thông qua hai showrom tại Hà Nội, và một showroom ở TP HCM. Tuy vậy thời gian showroom hoạt động, chính sách hậu mãi, bảo hành chưa được tiết lộ.

Mẫu Haima 7X trưng bày tại lễ ký kết sáng 21/2 tại TP HCM.

Mẫu Haima 7X trưng bày tại lễ ký kết sáng 21/2 tại TP HCM. Ảnh: Quốc Đạt

Trong số 3 mẫu xe của hãng Trung Quốc bán tại Việt Nam, Haima 7X được nhà phân phối kỳ vọng sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng bởi doanh số phân khúc MPV còn nhiều tiềm năng. Mức giá dự kiến của 7X, theo ông Sơn, khoảng 700-800 triệu đồng.

Giá bán dự kiến của Haima 7X khá cao nếu so với mặt bằng chung của các mẫu MPV phổ thông bán chạy nhất tại Việt Nam như Mitsubishi Xpander (555-688 triệu đồng), Toyota Veloz (658-698 triệu đồng)… Mẫu xe giá cao nhất phân khúc hiện là Kia Carens, 619-859 triệu đồng. Biến thể chạy điện của mẫu MPV Haima là 7X-E dự kiến giá từ 1 tỷ đồng trở lên. Hãng chưa nói rõ về kế hoạch xây trạm sạc.

Ngoài 7X, Haima 8S ở phân khúc CUV cỡ C cũng sẽ có mặt trên thị trường Việt Nam vào nửa cuối 2023, cạnh tranh Mazda CX-5 (839-1.059 triệu đồng), Hyundai Tucson (845-1.060 triệu đồng)…

Haima không phải lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Năm 2011, hãng xe Trung Quốc thông qua đối tác Kylin (Hải Phòng) xâm nhập thị trường trong nước với các mẫu như Haima2, Haima3, Haima7 hay MPV Haima Preema với vóc dáng khá giống những chiếc Mazda2, Mazda6, Mazda CX-7 hay Mazda Premacy.

Sao chép thiết kế xe Nhật, giá rẻ nhưng Haima cũng như nhiều hãng xe Trung Quốc khác, chỉ tạo được hiệu ứng ban đầu chứ không duy trì được sức kinh doanh đều đặn ở Việt Nam. Phần vì thương hiệu yếu, kém bền, phần vì xe Nhật ngày càng bành trướng, Haima âm thầm rút khỏi Việt Nam.

Ông Sơn thừa nhận, thương hiệu yếu, định kiến thiếu tích cực về xe Trung Quốc vẫn là rào cản lớn để Haima hay những thương hiệu khác của nước này tiếp cận khách Việt. “Tuy nhiên với thiết kế hiện đại và công nghệ phong phú, khi khách hàng trải nghiệm, hy vọng hình ảnh xe Haima sẽ được đón nhận”, ông nói.

Hãng ôtô Haima tiền thân là công ty Hainan Automobile Works (HAW), thành lập vào 1988 với sự hợp tác của chính quyền tỉnh Hải Nam và Hainan Auto Stamping Factory, công ty sản xuất phụ tùng ôtô. Năm 1992, hãng này liên doanh với Mazda. Đây là lý do vì sao các sản phẩm sau đó có hơi hướng thiết kế và công nghệ của hãng xe Nhật. Trải qua nhiều biến động, HAW được tái cơ cấu vào 2004 và hiện là hãng con của tập đoàn FAW (Trung Quốc), tên gọi cũng được đổi thành Haima Automobile. FAW sở hữu nhiều thương hiệu con, gồm cả Hồng Kỳ (Hongqi), hãng xe bán chính hãng tại Việt Nam từ đầu 2022.

Haima nằm trong làn sóng đổ bộ xe Trung Quốc vào Việt Nam trong khoảng 2 năm trở lại đây. Nhiều hãng có sản phẩm tiếp cận khách Việt như Beijing, Hongqi, BAIC… Chery là hãng gần đây công bố kế hoạch thâm nhập thị trường, xây dựng nhà máy lắp ráp và tiến tới xuất khẩu.

Mới đây, công ty cổ phần ôtô TMT (TMT Motors) cho biết đã ký hợp tác chiến lược với liên doanh đến từ Trung Quốc là GM (General Motors) – SAIC – Wuling (viết tắt SGMW) để sản xuất, lắp ráp, phân phối ôtô điện Wuling Hongguang MiniEV của liên doanh này tại Việt Nam. Xe dự kiến bán vào cuối 2023.

Thành Nhạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *