Năm 2022, phân khúc xe đô thị cỡ A có nhiều biến động khi lựa chọn dành cho khách hàng tại Việt Nam dần rơi rụng. Nguyên nhân bởi nhiều cái tên bị khai tử như Toyota Wigo, Honda Brio, VinFast Fadil vì chưa có động cơ đáp ứng chuẩn khí thải Euro 5, hoặc vì định hướng chiến lược của hãng.
Từ 2023, nhóm xe cỡ A sẽ sôi động trở lại khi nhiều mẫu xe mới ra mắt lẫn có hàng trở lại. Trong số này, VinFast VF 5 Plus bán ra từ 21/4, Toyota Wigo bán trở lại bằng thế hệ mới, dự kiến vào cuối tháng 5. Bên cạnh đó là chiếc xe điện hứa hẹn rẻ nhất thị trường, Wuling Hongguang Mini EV, dự kiến bán trong 2023.
Sự xuất hiện của nhiều cái tên mới lẫn cũ, xe xăng lẫn xe điện cho thấy các hãng không muốn bỏ qua nhóm xe giá rẻ có tỷ suất lợi nhuận không cao như những phân khúc khác, nhưng bù lại bằng doanh số thuộc nhóm đầu của thị trường. Trước 2022, xe đô thị cỡ A là phân khúc có lượng bán chỉ xếp sau sedan cỡ B.
Từ 2018 đến trước 2022, doanh số của nhóm xe giá rẻ nhất thị trường đều trên 40.000 chiếc. Đến 2022, doanh số giảm xuống còn hơn 17.000 chiếc vì nhiều mẫu xe ngưng bán, phân khúc chỉ còn hai lựa chọn: Kia Morning và Hyundai i10. Theo các chuyên gia, hai năm gần đây, doanh số của nhóm xe này đang giảm dần bởi chịu ảnh hưởng của thị hiếu chuyển dịch sang xe gầm cao CUV/SUV từ khách hàng.
Tuy nhiên, xu hướng chuyển sang chuộng xe gầm cao không đồng nghĩa triệt tiêu nhu cầu của lượng lớn khách hàng dành cho nhóm xe có kích cỡ nhỏ gọn, dễ xoay trở trong không gian hẹp, chưa kể giá bán dễ tiếp cận nhất của thị trường ôtô. Các hãng, hoặc tiếp tục nâng cấp sản phẩm thuần cỡ A hatchback, hoặc đáp ứng thị hiếu SUV của khách bằng sản phẩm mới.
Khai tử mẫu xe chạy xăng “gà đẻ trứng vàng”, Fadil từ nửa sau 2022 nhưng VinFast vẫn đặt kỳ vọng lớn vào phân khúc xe giá rẻ để mở rộng thị phần bằng chiếc VF 5 Plus chạy điện. Fadil và VF 5 khác nhau về hệ truyền động lẫn thiết kế nhưng cách tiếp cận thị trường thì ngược lại. Cả hai đều là những mẫu xe nhỏ gọn, chi phí đầu tư ban đầu thấp, không nhiều công nghệ phức tạp, thích hợp với người mua xe lần đầu dùng để sử dụng cá nhân lẫn kinh doanh dịch vụ.
Xét về kích thước, VF 5 Plus định vị ở phân khúc cỡ A+, nơi có những đối thủ như Toyota Raize, Kia Sonet. Mẫu xe của VinFast thua thiệt về kích thước tổng thể nhưng nhờ ưu thế ít chi tiết hơn xe xăng, nội thất của VF 5 vẫn rộng rãi và đảm bảo công năng như hai đối thủ.
Raize và Sonet cũng là những ví dụ điển hình cho thấy các hãng cố gắng đa dạng thêm danh mục sản phẩm xe gầm cao để đáp ứng thị hiếu của khách, dù chất SUV như khả năng off-road, vận hành mạnh mẽ trên cả hai mẫu xe đều mờ nhạt. Thứ phảng phất chất SUV nhất là về ngoại hình. VF 5 không thuần hatchback như Fadil mà được xây dựng theo thiên hướng xe gầm cao như Raize, Sonet. Khoảng sáng gầm của VF 5 là 182 mm, cao hơn đáng kể so với Fadil, 150 mm.
VF 5 giá 458 triệu đồng không bao gồm pin và 538 triệu đồng bao gồm cả pin. Mức giá này của mẫu xe Việt có khả năng giành khách của những chiếc hatchback cỡ A truyền thống như Hyundai i10 giá 360-455 triệu, Kia Morning giá 389-454 triệu đồng. Nhờ lượng tiện nghi và công nghệ an toàn phong phú, VF 5 thậm chí có thể tạo ra sự đắn đo cho cho nhóm khách có ý định nhắm đến hai mẫu chạy xăng như Toyota Raize giá 563 triệu hay Kia Sonet giá 524-624 triệu đồng.
Nhóm xe đô thị cỡ A trong 2023 cũng sắp đón nhận thêm một mẫu xe điện khác là Wuling Hongguang Mini EV. Mẫu xe đô thị cỡ nhỏ sở hữu kích thước dài, rộng, cao lần lượt 2.917 mm, 1.493 mm, 1.621 mm và chiều dài cơ sở chỉ 1.940 mm, tức nhỏ hơn khá nhiều so với một chiếc Kia Morning. Sản phẩm là thành quả hợp tác của liên doanh GM (General Motors) – SAIC – Wuling (viết tắt SGMW).
Wuling Hongguang Mini EV có không gian nội thất hạn chế, trang bị tiện nghi, an toàn ở mức cơ bản nhưng giải quyết bài toán chi phí đầu tư ban đầu thấp cho khách hàng. Mẫu xe này sẽ được công ty cổ phần ôtô TMT, đơn vị hợp tác chiến lược với SGMW để sản xuất, lắp ráp, phân phối với giá bán kỳ vọng không quá 300 triệu đồng.
Bởi dung lượng pin thấp và phạm vi hoạt động hạn chế, khoảng 120-300 km, Hongguang Mini EV hướng đến khách hàng loanh quanh trong thành phố, không có nhu cầu di chuyển ra xa đô thị. Mẫu xe Trung Quốc sẽ là lựa chọn thấp cấp hơn VF 5 cũng như hai mẫu xe Hàn: i10 và Morning.
Ngoài hai mẫu xe điện mới, phân khúc xe cỡ A còn có sự trở lại của Toyota Wigo sau hơn một năm ngưng bán. Trưởng phòng bán hàng của một đại lý Toyota ở TP HCM cho biết, mục tiêu doanh số của Wigo mới vẫn tương tự bản tiền nhiệm, khoảng 450 xe/tháng.
“Dù nhiều hãng rút lui nhưng phân khúc cũng có thêm nhiều cái tên mới. Khách hàng bây giờ dần chuyển sang thích xe gầm cao nên nhu cầu xe cỡ A cũng bị tác động, hãng vì thế không đặt kỳ vọng lớn”, vị này nói.
Toyota Wigo ra mắt vào 24/5 tới là thế hệ mới trình làng hồi tháng 2 vừa qua. Ngoại hình già nua, ít điểm nhấn là một trong những nguyên nhân khiến Wigo cũ thường xuyên là mẫu xe bán chậm nhất phân khúc. Nhưng ở bản 2023, thiết kế mẫu xe dùng nền tảng khung gầm DNGA-A của Daihatsu (hãng con Toyota) đã cải thiện đáng kể.
Toyota muốn Wigo cạnh tranh các đối thủ ở khía cạnh an toàn. Tính năng cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau có trên Wigo mới và là duy nhất phân khúc. Xe cũng được trang bị hệ thống cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc. Cùng với việc thiết lập mức giá hợp lý, Wigo có thể tiếp cận khách hàng tốt hơn, bên cạnh yếu tố thương hiệu lẫn ưu điểm bền bỉ của xe Nhật.
Như vậy, từ chỗ chỉ có hai lựa chọn xe giá rẻ cỡ A là Kia Morning, Hyundai i10 ở 2022, nhóm khách lần đầu mua xe trong 2023 sẽ có thêm nhiều sản phẩm khác để cân nhắc. Cuộc đua thị phần ở phân khúc này vì thế sẽ sôi động trở lại.
Thành Nhạn