Sự khác biệt giữa xe tải ở châu Âu và Mỹ

Vì sao xe tải ở châu Âu và Mỹ khác nhau?

Dòng xe tải, hay xe đầu kéo (semi truck) ở Mỹ và châu Âu có nhiều khác biệt. Sự khác nhau nằm ngay ở thiết kế ngoại hình, có thể nhận ra ngay từ cái nhìn đầu tiên, cho đến chiều cao, vị trí động cơ, thiết kế cabin, chiều dài cơ sở.

Xe tải ở Mỹ thường có mũi dài (long nose) tức cabin nằm sau động cơ, trục cơ sở dài hơn. Trong khi xe tải ở châu Âu có mũi ngắn, tức cabin nằm ngay trên động cơ nên đầu xe phẳng. Tại Việt Nam, giới tài xế hay gọi là xe đầu ngắn và xe đầu dài.

Vì sao xe tải ở châu Âu và Mỹ khác nhau?

Một mẫu xe đầu kéo ở Mỹ (trên) và một xe ở châu Âu, cùng thuộc thương hiệu Volvo. Ảnh: Volvo

Khác biệt lớn nhất là ở Mỹ, các tài xế xe tải thường chính là chủ xe, trong khi ở châu Âu, tài xế thường là người làm thuê. Vì thế ở Mỹ, phần lớn tài xế dành rất nhiều thời gian trên xe, nơi họ có thể sống hàng tháng trời ngay trong cabin.

Với trục cơ sở dài hơn, xe đầu kéo với cabin truyền thống sẽ thoải mái hơn đôi chút cho những chặng đường dài, với cabin nhiều không gian hơn. So với kiểu cabin nằm trên động cơ, thì cabin nằm phía sau động cơ giúp tài xế lên xuống dễ dàng hơn vì cabin sẽ thấp hơn.

Ngoài ra, kiểu cabin nằm sau động cơ sẽ đi kèm thiết kế khí động học hơn, vì phần mũi xe dài và thuôn hơn, nên sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn. Trong khi kiểu cabin nằm trên động cơ với phần đầu xe phẳng sẽ làm tăng hệ số cản gió, nhưng sẽ kéo được hàng trọng lượng lớn hơn. Và cũng vì cabin nằm ngay trên động cơ, nên chiều cao của phần đầu xe ở châu Âu cũng nhỉnh hơn, và chiều rộng cũng hơn đôi chút.

Thiết kế động cơ nằm nhô hẳn ra phía trước cũng giúp việc bảo dưỡng và sửa chữa dễ dàng hơn. Nhưng phần đầu xe phẳng lại dễ làm sạch hơn. Về điều khiển, tài xế xe đầu ngắn sẽ dễ dàng kiểm soát không gian trước mặt, dễ lấy lái khi vào cua. Trong khi đó, xe đầu dài sẽ cần khoảng không gian lớn hơn để hướng mũi xe khi vào cua.

Cabin của mẫu xe Volvo ở châu Âu, vừa đủ chỗ cho một người nằm phía sau hai ghế. Ảnh: Volvo

Cabin của mẫu xe Volvo ở châu Âu, vừa đủ chỗ cho một người nằm phía sau hai ghế. Ảnh: Volvo

Sự khác biệt xuất phát từ những quy định. Ở châu Âu, tổng chiều dài của xe đầu kéo dao động 16,5-25,25 m tùy nơi. Vì thế, đầu xe càng ngắn thì càng có thêm không gian gian chở hàng phía sau. Cabin nằm trên động cơ là cách tốt nhất để đạt mục tiêu này.

Ở Mỹ, những quy định tương tự được ban hành năm 1986, nhưng chiều dài xe lớn hơn ở châu Âu. Và dù từng có thời kiểu cabin nằm trên động cơ khá phổ biến ở Mỹ, sau đó kiểu cabin nằm phía sau nhanh chóng trở nên thông dụng hơn, do có nhiều không gian hơn, thoải mái khi ai đó cần chỗ để nghỉ ngơi hơn.

Tốc độ cũng là một yếu tố. Ở châu Âu, xe đầu kéo thường bị giới hạn tốc độ là 90-100 km/h, trong khi ở Mỹ, xe có thể đạt đến 129 và thậm chí 137 km/h. Phần đầu xe thuôn hơn với tính khí động học tốt hơn góp phần tạo ra khác biệt lớn này.

Cabin xe đầu kéo Volvo ở Mỹ, với không gian vừa để nghỉ ngơi, làm việc khá thoải mái. Ảnh: Volvo

Cabin xe đầu kéo Volvo ở Mỹ, với không gian vừa để nghỉ ngơi, làm việc khá thoải mái. Ảnh: Volvo

Sự khác biệt còn nằm ở đặc thù giao thông, khi đường phố ở Mỹ thường rộng rãi và bằng phẳng hơn, trong khi châu Âu có nhiều con đường nhỏ hẹp cũng như nhiều đường đèo núi hơn, chưa kể những hành trình phải lên phà qua biển. Việc chạy qua những con phố nhỏ, cũng như để tiếp cận các xe khác hay vật thể khác, thì xe tải đầu phẳng sẽ dễ thao tác hơn, đỡ chiếm diện tích hơn. Ngoài ra, loại xe này cũng thường nhẹ hơn và trục cơ sở ngắn hơn, nên việc điều khiển cũng dễ hơn.

Thực tế nhất có thể nêu ví dụ như trong ảnh phía trên, với hai mẫu xe đầu kéo, một cho thị trường Mỹ, một cho thị trường châu Âu, và cùng của thương hiệu Volvo.

Mỹ Anh (theo Truck Tropia, Engineerine)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *