Trong hơn 2 năm gần đây, cạnh tranh ở phân khúc xe đô thị gầm cao cỡ nhỏ ngày càng sôi động bởi nhu cầu tăng lên của khách hàng thu hút các hãng ra mắt sản phẩm mới. Cuộc đua thị phần ở phân khúc này diễn ra chủ yếu giữa ba hãng đang dẫn đầu doanh số toàn thị trường: Toyota, Hyundai và Kia.
Ngôi vị số một thị trường về doanh số của Toyota có phần đóng góp lớn của nhóm xe CUV cỡ nhỏ. Vì sản phẩm ở phân khúc cỡ C chưa có, Corolla Cross và Raize vì thế là hai mẫu xe chủ lực của Toyota trong mục tiêu cạnh tranh với các đối thủ.
Tháng 3, Corolla Cross tiếp tục thống trị toàn phân khúc (A+ đến C-) với lượng bán hơn 1.400 chiếc. Kết hợp với mẫu compact CUV, Raize, Toyota có gần 5.100 xe bán ra sau 3 tháng, chiếm khoảng 40% thị phần, lớn nhất phân khúc.
Raize và Corolla Cross đều nhập khẩu. Riêng Corolla Cross là sản phẩm toàn cầu của Toyota, nhiều tiện nghi lẫn công nghệ. Giống như Mitsubishi Xpander hồi 2019, Corolla Cross như một hiện tượng của làng xe Việt khi chỉ mất nửa năm để đạt doanh số cao nhất phân khúc và duy trì liên tiếp những năm qua.
Kia có hai sản phẩm ở phân khúc này, gồm Sonet và Seltos. Nếu Sonet bán 2.006 xe sau 3 tháng, tăng trưởng doanh số 22%, Seltos bán 1.481 xe, giảm 63%. Tổng lượng bán của Sonet và Seltos quý I đạt 3.487 xe, chiếm khoảng 27% thị phần phân khúc.
Seltos sụt giảm doanh số phần lớn từ áp lực của đối thủ Hyundai Creta tạo ra. Mẫu xe do Thành Công nhập khẩu và bán 2.647 xe sau quý I, gần gấp đôi Seltos. Thiết kế mới hơn, trang bị tương đương nhưng giá mềm hơn đôi chút, Creta đang thay Seltos dẫn đầu nhóm xe thuần cỡ B.
Phần còn lại của phân khúc là cuộc đua của Mazda CX-3 và Honda HR-V. Hai mẫu xe của Mazda và sản phẩm của Honda đều không quá 1.000 chiếc sau quý I. CX-30 của Mazda giá bán tương đương Corolla Cross nhưng doanh số thấp hơn nhiều.
Phân khúc CUV cỡ nhỏ còn có những sản phẩm khác góp mặt như Nissan Kicks, Volkswage T-Cross, MG ZS, Peugeot 2008 nhưng các hãng, nhà phân phối không công bố số liệu bán hàng cụ thể.
Phạm Trung